Kinh nghiệm chọn mua nhẫn kim cương

NỘI DUNG

1. Hãy nhớ rằng chọn một thương hiệu uy tín đáng tin cậy

Chiếc nhẫn kim cương đầu tiên trong cuộc đời bạn chắc chắn sẽ là một cột mốc ý nghĩa. Đừng để nó trở thành một kỷ niệm tồi tệ chỉ vì mua nhầm hàng kém chất lượng từ những thương hiệu thiếu uy tín. Nhớ tìm hiểu thật kỹ những thông tin về thương hiệu bạn dự định mua, xem xem có những phản hồi xấu về chất lượng sản phẩm hay không, hoặc những tranh cãi về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm… Một thương hiệu uy tín sẽ không khiến bạn hoang mang với vô số thắc mắc, bức xúc từ khách hàng, chẳng hạn kim cương bị xuống màu dù bảo quản tốt hay các chế độ bảo hành, mua lại… không như hứa hẹn ban đầu.

2. Đừng quên giấy chứng nhận nhé

Đừng vì ham rẻ hoặc nghe lời dỗ ngọt của nhân viên bán hàng mà chọn một viên kim cương không có giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận của GIA (Viện đá quý Hoa Kỳ) hoặc IGI (Viện đá quý quốc tế) là những giấy tờ quan trọng bởi chúng giúp bạn biết chính xác các thông tin về “4 chữ C” cũng như chất lượng sản phẩm. Với giấy chứng nhận này, việc bán lại cũng dễ dàng và được giá hơn nhiều.

Kinh nghiệm chọn mua nhẫn kim cương
Kinh nghiệm chọn mua nhẫn kim cương

3. Nên nhớ rằng 4 chữ  C luôn là điều quan trọng cần tìm hiểu

Khi tìm mua kim cương, bạn nhất thiết phải nắm được “4 chữ C” của loại hàng xa xỉ này. Đầu tiên là Carat – đơn vị chỉ kích cỡ của một viên kim cương. Tất nhiên, kim cương càng lớn thì càng đẹp (và đắt tiền!). Nhưng nếu ngân quỹ có hạn, bạn vẫn có thể “mưu mẹo” một chút. Chẳng hạn, 1 viên đá 0,9 carat trông không khác nhiều so với 1 viên 1 carat, nhưng giá thì chắc chắn là rẻ hơn đáng kể.

Thứ hai là Cut – kiểu mài/ cắt của kim cương. Nó sẽ quyết định cách kim cương hấp thụ và phản chiếu ánh sáng, nói cách khác, nó quyết định độ “lấp lánh” của một viên kim cương. Nếu có điểm Cut là Excellent, viên kim cương sẽ tỏa sáng đẹp nhất. Kế đó là Very Good, Good, Fair và Poor. Bạn có thể dựa vào ngân sách của mình để quyết định chọn kiểu cắt phù hợp.

Thứ ba là Colour – độ trong của viên kim cương trắng. Màu D, E, F là những viên kim cương trong nhất, và cũng đắt nhất. G và H để chỉ các viên kim cương kém hơn một chút nhưng vẫn rất trong, còn từ I trở đi bạn có thể bắt gặp một chút ánh vàng nhạt trong viên đá. Bên cạnh đó, nếu thích sự khác biệt, bạn có thể chọn kim cương vàng (khác với kim cương trắng ánh vàng nhạt nhé!) hoặc kim cương hồng, chúng rất thanh lịch và cực kỳ nổi bật khi được bao quanh bằng những viên kim cương trắng nhỏ hơn. Lưu ý là kim cương màu đắt hơn so với kim cương trắng.

Cuối cùng là Clarity – độ tinh khiết của viên kim cương. F (Flawless – không tì vết) là điểm cao nhất, kế đó là IF (internally flawless – hầu như không tì vết), VVS1 và VVS2 (pha tạp rất rất ít), VS1 và VS2 (pha tạp rất ít), SI1 và S12 (hơi pha tạp). Mặc dù vậy, những viên kim cương có pha tạp cũng hầu như không thể nhận thấy bằng mắt thường.

Bên cạnh 4 chữ C, một điều khác bạn cũng cần lưu ý là Fluorescence (huỳnh quang). Không cần quá hiểu biết về chuyên môn, chỉ cần nhớ, 1 viên kim cương đi kèm với từ này khi bán lại sẽ rất mất giá. Tốt nhất là chọn loại Fluorescence – NIL.

4. Đừng quên kết hợp với nhẫn nhé

Khi đã mua được viên kim cương ưng ý, việc bạn kết hợp với khung nhẫn thế nào cũng rất quan trọng. Một viên kim cương trông sẽ lớn hơn khi bạn đặt xung quanh chúng những viên nhỏ hơn. Cách này còn giúp bảo vệ viên kim cương lớn khỏi bị trầy xước, sứt mẻ khi va đập nghiêm trọng. Kết hợp với vàng trắng hoặc bạch kim sẽ giúp viên kim cương trông trắng sáng hơn nữa. Trong trường hợp viên kim cương có ánh vàng nhạt dễ nhận thấy, hãy kết hợp nó với vàng, viên đá sẽ trắng hơn bình thường và ánh vàng không còn bị chú ý.

5/5 - (1 bình chọn)
Bài viết liên quan